Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

Mẹ và Đà Lạt

Văn hóa - Nghệ thuật
Mẹ và Đà Lạt
Cập nhật lúc 15:21, Thứ Năm, 26/12/2013 (GMT+7)
Trong số du khách nước ngoài đến thăm Đà Lạt, có một người Pháp tóc đã chuyển màu theo gió bụi thời gian. Ông đến thành phố này mang theo ký ức đời người và nỗi nhớ xa xăm. Ông nhớ con đường rải đá, khu rừng thông xanh trên đồi Đa Thiện, dãy mimôsa vàng rập rờn ven Thung lũng Tình Yêu và nhớ cả ngôi nhà nằm cạnh góc đường có hàng hoa tím. Đó là ông Couvent, người kỹ sư điện già sống với Đà Lạt bằng tâm thức, vì vùng đất sương mù này là nơi ông cất tiếng khóc chào đời và lớn lên từ một thời xa vắng...
 
Công viên hoa. Ảnh: Phan Văn Em
Công viên hoa. Ảnh: Phan Văn Em
 
Người lữ hành cô đơn
 
Tôi gặp và quen một chú “Tây ba lô” người Pháp tên là Pierre một cách tình cờ. Khoảng 3 giờ chiều năm ngoái, anh đạp xe từ Biên Hòa lên Đà Lạt, khi leo hết đèo Bảo Lộc bị thủng lốp nên dừng lại đầu đèo nhờ vá hộ. Lúc ấy tôi đang ngồi “buôn dưa lê...” trong quán, nhìn thấy anh ta vừa nói vừa ra hiệu bằng tay với người chủ ven đường một cách tội nghiệp. Có lẽ do đạp xe cả quãng đường dài nên gương mặt của anh chuyển sang gam màu nắng cháy, giàn giụa mồ hôi kết cùng bụi đất. Chắc là anh đói và mệt nên âm sắc trở nên thều thào đến mức thảm thương. Trong thời gian chờ đợi, anh mang ra hai chiếc bánh chưng đã bắt đầu khô lá, ngồi bệt xuống đất bóc vỏ ra ăn ngon lành, sau đó mở chai nước Lavie đổ ồng ộc vào miệng, rồi ngồi bó gối nhìn ra đường một cách vô hồn như con khỉ già đang ốm. Đến khi trả tiền, người vá xe đòi 20 ngàn, cao gấp 2 lần dân địa phương nên Pierre không đồng ý. Anh tỏ thái độ vùng vằng, buông một tràng dài tiếng Anh giọng Pháp. Người vá xe đầu đèo đứng dậy giải thích tiếng Việt, nhưng không ai hiểu ai. Cuối cùng tôi phải đứng ra làm người hòa giải. Pierre há mồm nhìn tôi, khi phát hiện ở vùng sơn nguyên heo hút này lại có người nói được tiếng Pháp, vì đã khá lâu rồi ở Việt Nam, tiếng Anh gần như là ngôn ngữ chính trong việc giao tiếp quốc tế thường ngày. Đối với người Pháp, họ thường tỏ ra lịch lãm hào hoa khi gặp được người mình trân trọng. Nên sau chuyện đầu đèo, Pierre lịch sự mời tôi về Bảo Lộc ăn tối, uống cà phê như một sự trả ơn và luôn tiện nhờ tôi định hướng để tìm một ngôi nhà nằm ở góc đường Đà Lạt.
 
Pierre 26 tuổi, cao khoảng 1.75m, mắt đen như dân châu Á. Anh có thân hình cao gầy, gương mặt xương xương hiện rõ sự thông minh và tính tự lập của một thanh niên Pháp tiêu biểu. Pierre cho biết, anh vừa tốt nghiệp thạc sĩ ngành Xã hội học tại Nhật, ngoài tiếng Pháp là ngôn ngữ mẹ đẻ anh còn sử dụng thông thạo hai ngôn ngữ khác là Anh và Nhật, đang trên lộ trình từ Singapore, Mã Lai, Thái Lan, Campuchia rồi sẽ dừng chân 3 ngày tại Đà Lạt bằng xe đạp. Nghe anh kể cuộc viễn hành kết hợp với gương mặt phủ đầy nắng gió tôi tin là anh nói thật. Cách đây vài tiếng đồng hồ, Pierre ngơ ngác nhìn khi nghe tôi nói bằng tiếng mẹ đẻ của anh và bây giờ tôi lại tròn xoe mắt, được biết Đà Lạt là quê hương của một người Pháp. 
 
Trong đời thường, bất ngờ luôn vẫn là sự kiện mới, gây ra cảm giác ngạc nhiên thú vị. Pierre mở Ipad hiện lên 10 tấm ảnh Đà Lạt xưa, được chụp vào khoảng trên dưới 60 năm. Nhìn những tấm ảnh trắng đen sắc cạnh hơn nửa thế kỷ trước tôi không khỏi ngậm ngùi. Đà Lạt ngày ấy đầy hoa dại, đầy thông với những căn nhà tranh lèo tèo như tấm thảm thực vật chạy dài xa tít và thông qua hình tư liệu này, tôi lại nhận ra Đà Lạt 70 năm trước không giống khu thị tứ mà dường như là những đồi cỏ dợn sóng, trong đó cây thông là loại cỏ khổng lồ đứng chơ vơ, có nơi thành rừng lồng lộng dưới trời xanh mây trắng. Pierre chỉ một biệt thự nhỏ mang kiến trúc Normandie nằm cạnh góc đường nói với tôi đây là căn nhà của ông bà nội mà anh ngỏ ý nhờ tôi tìm hộ. Tôi không phải là dân gốc Đà Lạt, nhưng với nghề phiên dịch, tôi đến thành phố này hàng trăm lần, đã từng lang thang một mình trên những con đường bậc thang cao thấp, nhưng không thể xác định được vị trí ngôi nhà trên màn hình Ipad. Pierre không trách tôi về trí nhớ, sáu bảy mươi năm còn gì, bụi thời gian rồi những cuộc chiến tranh vệ quốc liên tiếp từ các thời Pháp - Nhật - Mỹ, cộng với sự phát triển cơ học của con người nên khó có thể giữ được hình ảnh xưa từ một thời xa vắng. Anh có vẻ đăm chiêu phảng phất nỗi buồn, ngả người trên ghế đưa mắt nhìn về đỉnh Sa Pung trên dãy núi Đại Bình mờ ảo trong chiều hoàng hôn tím rịm.
 
Vốn từ tiếng Pháp của tôi không nhiều. Vì vậy tôi xin chuyển sang tiếng Anh, với hy vọng có thể kể cho Pierre câu chuyện mang hoài niệm đời người của một Việt kiều xa xứ. Đó là chuyện tìm nhà của ông Lê Văn Hộ, giáo sư sử học tại Vương quốc Anh vào thập niên 60-70 của thế kỷ trước. Ông Hộ là người Hà Nội gốc, sau gần 40 năm sống ở nước ngoài trở về tìm lại ngôi nhà xưa của ông bà nội. Trên đường về nước, ông không thể tưởng tượng di sản của dòng tộc còn hay đã mất. Nếu còn là kỷ niệm đời người, ông có cơ may nhìn lại dấu tích nơi ông đã sinh ra và lớn lên từ thời thơ ấu, mà nếu mất đi cũng là điều đáng mừng, vì đất nước nào cũng phải thay áo mới cho vừa vặn với tầm vóc phát triển của mình. Nhưng cuối cùng điều mong đợi đã mỉm cười với ông, có nghĩa là ngôi nhà xưa vẫn còn nguyên vẹn, tuy đã nhiều lần đổi chủ. Ông Hộ xin phép người chủ mới vào ôm cây cột gỗ trong nỗi ngậm ngùi. Kể từ lúc lên tàu vào Nam sau Hiệp định Genève bốn mươi năm rồi còn gì. Hình ảnh một thời xa ngái hiện về, con đường xưa với cây sấu già đầu ngõ rợp lá vàng bay, nay vẫn còn đứng đó tuy lớp vỏ trở nên sần sùi vì trải qua nhiều mùa mưa nắng. Nhưng ông lại cảm thấy buồn vì đã bao năm quê mình vẫn thế! Sau ngày Nhà nước đổi mới ông Hộ có về lại. Lần này nước mắt ông chảy ra, không phải vì mất đi kỷ niệm, mà khóc vì sự vui mừng. Ngôi nhà xuống cấp ngày xưa gần như đang từng ngày chuyển sang hoang phế đã trở thành phố xá cao tầng sầm uất, nhộn nhịp người xe. Việc ấy cũng cho thấy rằng, nước mắt đời người chưa hẳn là một nỗi đau, có khi vui mừng vì sự thành công hoặc trước sự phát triển mang tầm vóc quốc gia ngay tại quê mình người ta cũng khóc. Pierre yên lặng, vòng hai tay trên ngực hau háu theo dõi tình tiết câu chuyện rồi thở dài có vẻ trầm ngâm về cuộc viễn hành trở về Đà Lạt của anh. Tôi biết một thạc sĩ ngành Xã hội học, tốt nghiệp tại một quốc gia biết khai thác và sử dụng túi khôn thế giới kết hợp với lòng tự trọng của mình không phải tầm thường. Người Nhật đã làm nên những việc phi thường mà dân châu Á chưa ai nghĩ đến. Năm 1870 Nhật đã khép lại lịch Nippon để chuyển sang lịch Tây theo ngày Chúa Jesus Christ ra đời để hội nhập với cộng đồng thế giới. Năm 1945, sau khi đại bại trong chiến tranh, đến mức đầu hàng quân đồng minh vô điều kiện. Vì lòng tự trọng họ đã chủ động mở cửa giao thương, đưa đất nước trở thành một cường quốc từ sự hoang tàn đổ nát. Họ đã nhờ các nhà làm luật nổi tiếng của Đức cùng tham gia sửa đổi hiến pháp cho mình. Họ đã giữ nguyên hiện trạng cố đô Kyoto của vương triều để làm hình ảnh sống, minh chứng cho những trang cổ sử huy hoàng. Vào năm 1868 dưới thời vua Minh Trị (Meiji) mở “Hội nghị Diên Hồng” lấy ý kiến nhân dân xây dựng thủ đô ở vùng đất mới mang tên Tokyo như là sự kế thừa hồn thiêng sông núi. Ở cạnh đất nước mặt trời mọc này, hoàng đế Jumong, xứ sở Cao Ly sau khi quét sạch nhà Hán ra khỏi bờ cõi vào năm 178 trước Công nguyên đã chọn quốc kỳ mang hình tượng con chim ba chân Phụng Hoàng Lửa để chứng tỏ sức mạnh độc lập tự cường của một quốc gia. Hào khí ấy còn kéo dài ở Hàn Quốc đến tận bây giờ. Tất cả sự thành công của hai quốc gia biển đảo này đều dựa vào nền tảng văn hiến. Ở đó người lãnh đạo phải có đủ tâm và đủ tầm biết dựa vào dân, giữ gìn truyền thống dân tộc, vì còn dân còn nội lực là còn đất nước. Đà Lạt nơi ông sắp đến là thành phố đang chuyển mình. Chính quyền địa phương cũng đã ít nhất ba lần lấy ý kiến nhân dân, các nhà khoa học, các giáo sư tiến sĩ, đồng thời thuê công ty Interscène của Pháp tham gia xây dựng một thành phố du lịch nghỉ dưỡng hiện đại, đậm đà bản sắc cao nguyên. Trong tương lai sẽ được mở rộng lên 3.300km2 với dân số trên dưới 1 triệu người, theo tiêu chí bảo tồn là thành phố trong rừng - rừng trong thành phố. Quê của bà nội anh ngày xưa vào cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ thứ XX được người Pháp phát hiện, các kiến trúc sư Pháp thiết kế, và bây giờ cũng được người Pháp tham gia, xem như là duyên nợ của hai dân tộc, duyên nợ của mối tình Việt-Pháp giữa ông bà nội của anh... 
 
Là một nhà xã hội học trẻ, sau khi nghe qua câu chuyện, hình như Pierre không còn giữ ý định tìm ngôi nhà của ông bà nội ở Đà Lạt nữa. Có lẽ anh nhận ra mình mang tâm thức của ông Lê Văn Hộ, có nghĩa là khi tìm được hoặc không tìm được ngôi nhà, nước mắt người ta vẫn chứa đựng sự tiếc nuối lẫn cả thăng hoa, vì suy cho cùng trong cõi người ta, người và đất tuy hai nhưng là một. Đôi mắt của Pierre bất ngờ sáng lên, anh chuyển sang đề tài về con đường dẫn đến Vallée d’Amour (Thung lũng Tình Yêu). Anh chỉ tay vào màn hình cho tôi xem thung lũng ngày ấy rồi giải thích đây là nơi ông bà nội gặp nhau rồi trở thành vợ chồng sau khi quân đội Nhật chiếm đóng Đà Lạt mấy mươi ngày vào tháng 3 năm 1945. 
 
Vallée d’Amour (Thung lũng Tình Yêu) ngày trở lại
 
Sau đêm chia tay tại thành phố Bảo Lộc, tôi không gặp lại Pierre nữa, cũng không biết anh đã về Nhật hay về Pháp, nhưng tôi chắc một điều anh đã thông tin cho bố mẹ về những sự thay đổi tại quê hương bà nội của mình. Cách đây một tuần Pierre điện thoại cho tôi bằng tiếng Việt. Qua cuộc điện đàm, anh nói tiếng Việt chưa đúng âm điệu và ngữ pháp, nhưng tôi biết anh muốn nói gì. Đến khi kết thúc, Pierre vui vẻ theo kiểu Á Đông: “Cho tôi gởi lời thăm con vợ của ông!”. Thật tình lúc ấy tôi hơi bị sốc, vì anh ta chưa bao giờ gặp mặt vợ tôi. Đối với người Việt như thế là trịch thượng. Tuy nhiên, nhiều năm làm việc với người nước ngoài, tôi phát hiện trong số họ đa số là người tốt, nhưng vì chưa đủ từ hoặc không hiểu từ nên thường bị lỗi. Ví dụ như cụm từ vợ con và con vợ đối với người Việt hoàn toàn khác nhau nhưng họ nghĩ là một. Có lần tôi giải thích câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” họ trố mắt nhìn. Vì đối với họ thầy cô giáo dạy mình chính phủ trả lương hoặc mình đóng tiền học phí sao lại vi sư!
 
Lần này Pierre đi xe taxi cùng với bố là ông Couvent xuống tận nhà mời vợ chồng tôi đi Bảo Lộc ăn sáng một cách trân trọng. Ông Couvent mang dáng người Việt đến 60% nhưng ông không nói được tiếng Việt và cũng không biết tiếng Anh, vì vậy chuyện trò với nhau bằng tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ bắt buộc. Ông Couvent là kỹ sư điện, sinh năm 1947 tại Đà Lạt, mẹ là nữ hộ sinh người Việt, bố là bác sĩ dân y người Pháp. Hai ông bà gặp nhau trong lúc quân đội Nhật tiếp quản Đà Lạt tháng 3 năm 1945, đã bắt và giam lỏng 600 viên chức và kiều dân Pháp tại hai cư xá Decoux và Bellevue ở trung tâm Đà Lạt. Sau lần gặp duyên nợ ấy, hai ông bà thường dẫn nhau ra Thung lũng Tình Yêu, kết quả là bố của Pierre ra đời. Ông Couvent đã về Đà Lạt một lần vào năm 1992 theo ước nguyện của mẹ trước lúc lâm chung, nhưng có lẽ không tìm được chứng tích gì nên ông buồn bã về Pháp thắp nén hương thì thầm bên mộ mẹ thay cho lời tạ tội. Bây giờ cả bố lẫn mẹ ông đã về với đất. Đối với người mẹ Việt, trước giờ phút từ giã cuối đời tại Pháp, bà nhìn con trai thều thào muốn nhìn thấy tấm ảnh Đà Lạt lần cuối, ông Couvent tất tả chạy vào thư viện gia đình mang tấm hình hai ông bà đứng ở Thung lũng Tình Yêu bên cạnh chùm hoa mimosa rủ xuống, nhưng đã quá muộn. Bà trút hơi thở cuối cùng mang theo tâm thức Đà Lạt xuống mồ trong tưởng tượng. Lúc ấy, ông Couvent òa lên khóc tự hứa với mình bằng mọi giá phải về Việt Nam chụp lại tấm hình Thung lũng Tình Yêu mới nhất đem về khắc vào bia mộ, để mẹ và Đà Lạt mãi mãi bên nhau, nhưng đã bao năm rồi vẫn đang bỏ ngỏ. Vì thế, ông giao cho Pierre từ Nhật về Việt Nam tiếp tục thực hiện ước vọng dang dở của mình.
 
Tại B’Lao, tôi dẫn hai cha con Pierre đi dạo quanh hồ Bảo Lộc, nhưng dường như trong tâm thức ông chỉ có hình ảnh hồ Xuân Hương, nơi một thời nằm trong ký ức của mình. Ông chép miệng: “Ngày xưa, bố tôi thỉnh thoảng thuê xe ngựa chở cả nhà đi vòng hồ theo con đường sỏi nhỏ. Tôi còn nhớ, đêm về lạnh buốt có vài người phụ nữ đầu đội nón lá, choàng tấm ni lông trắng ngồi bán sữa đậu nành bằng đôi quang gánh, chông chênh ngọn đèn dầu leo lét. Ở trên bờ hồ là thông, cao hơn là Khách sạn Palace 30 phòng do người Pháp thiết kế năm 1920. Bố tôi cũng nhiều lần dẫn hai mẹ con tôi sang đấy gặp gỡ bạn đồng nghiệp của ông từ Pnompenh hoặc Vientiane về. Vào thời ấy Palace là trung tâm nghỉ dưỡng của cả Đông Dương. Có thể nói Đà Lạt được thiên nhiên ưu đãi, là vùng đất mang khí hậu ôn đới duy nhất ở Đông Nam Á, đã một thời được mệnh danh là Petite Paris giống như Little Sài Gòn ở Mỹ bây giờ”.
 
Sáng ngày hôm sau, ông Couvent chân tình mời vợ chồng tôi đi Đà Lạt để nhờ xác định ngôi nhà xưa và đến thăm Thung lũng Tình Yêu theo lời trăn trối cuối cùng của mẹ. Hình như Đà Lạt hôm ấy không phụ lòng người con viễn xứ nên bầu trời rất đẹp, mây trắng bay bồng bềnh, ẩn hiện trên mặt hồ Xuân Hương. Con đường Phù Đổng Thiên Vương nở đầy hoa dại gió thổi rập rờn. Ngôi biệt thự mang kiến trúc Normandie nằm ở góc đường ngày xưa hoàn toàn không còn dấu vết, chỉ còn lại Vallée d’Amour ngập tràn gió lộng. Pierre mở Ipad xác định vị trí chụp ảnh của ông bà nội cũng vô vọng. Thung lũng Tình Yêu ngày nay nối liền với hồ Đa Thiện, phía trên là đồi thông xanh. Bước qua cổng chính khoảng 50m về phía tay trái là hoa viên Tiểu Sơn Lâm, nơi ấy có một “Cây đa Tình yêu” với hàng trăm dải lụa đỏ - hồng được du khách treo lên. Cây Tình yêu ở Đà Lạt không biết có tên gọi này từ bao giờ. Theo những người quản lý tại đây cho biết, thực ra đây là một cây đa Champagne được trồng từ lâu trong khu du lịch. Tuy nhiên, không phải chỉ ở Đà Lạt mới có phong cách hai người yêu nhau viết lời nguyện ước treo lên mong muốn những điều tốt đẹp mà hình thức này đã xuất hiện ở  nhiều nơi trên thế giới. 
 
Nhà xã hội học Pierre nhìn tấm bản đồ quy hoạch Đà Lạt nói với tôi bằng tiếng Anh “Đối với nhiều nước trên thế giới nơi tôi đã từng đến, chiến lược kinh doanh về khu công nghệ cao hoặc nghỉ dưỡng ở tầm quốc gia hay quốc tế, họ đều chú trọng giữa xây dựng bảo tồn phong cảnh và vốn đầu tư. Có nghĩa là khi đặt viên đá đầu tiên, họ tiến hành ngay việc tiếp thị khách hàng và kế hoạch nhân sự dài hơi. Vì theo họ, khách hàng là người trả lương và mang lại doanh thu cho mình, khách hàng bỏ tiền ra không phải để mua hàng kém chất lượng. Và để có được đội ngũ quản lý giỏi cũng phải chuẩn bị từ bây giờ, đến lúc hoàn thành những con người ấy có đủ kỹ năng và kiến thức bắt tay vào việc một cách tự tin. Về khu du lịch sinh thái này, trước khi đến Đà Lạt, tôi đã ghé thăm thiên đường Bokor ở Campuchia. Thiên đường này tọa lạc trên đỉnh núi cao 1.080m với diện tích khá lớn. Sau một thời gian dài bị bỏ quên, mới đây được khôi phục dành cho nghỉ dưỡng, ở đó cũng xuất hiện khá nhiều cây tình yêu. Nếu như ở Việt Nam, các đôi tình nhân tung tấm lụa hồng lên cây ghi lời nguyện ước thì ở Nga, Ý, Đức, Pháp, họ chỉ ghi tên hai người lên ổ khóa, sau đó treo lên cây hoặc móc trên cầu rồi ném chìa khóa xuống sông. Họ tin rằng bằng cách này, không có người thứ ba nào có thể mở cửa trái tim người mình yêu được nữa. Hiện nay việc thể hiện tình yêu bằng ổ khóa dường như đang trở thành mốt ở nhiều nơi trên thế giới. Như vậy, ngay tại Vallée d’Amour này văn hóa của những cuộc tình đã không còn bó gọn trong một quốc gia mà đã trở thành không biên giới, cụ thể là ông bà của tôi”. Pierre ngửa mặt lên trời cười sằng sặc. Lâu lắm mới thấy anh cười và vui như thế. Bất ngờ Pierre quay sang hỏi bố bằng tiếng mẹ đẻ: “Có khi nào bố con mình tìm thấy ổ khóa tình yêu mang tên ông bà nội!”. Ông Couvent nhìn con trai mỉm cười, nụ cười sung mãn đầy trải nghiệm của một người có tuổi.
 
Trên đường đi bộ ven hồ Xuân Hương, tôi tâm sự với ông Couvent bằng tiếng Anh, nhờ con trai ông phiên dịch. “Tôi mừng lần trở lại này hai cha con ông vui. Người Việt thường nói: Cáo chết ba năm quay đầu về núi. Ông đã trở về quê mẹ với hình ảnh một Đà Lạt khác xưa, toàn thành phố không có tín hiệu đèn giao thông xanh đỏ đã chứng minh nét văn hóa và sự thân thiện của vùng đất cao nguyên. Chính quyền địa phương đang chuẩn bị lễ hội chào mừng 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển cùng lúc với kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt-Pháp. Cách đây hơn một tháng, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Marc Ayrault tại Paris, hai bên ký kết văn kiện đối tác toàn diện và xây dựng lòng tin chiến lược. Người Việt bao đời nay vẫn trân trọng những người Pháp mang tâm thức nhân văn. Ngay tại thành phố này, chính quyền Đà Lạt đã dựng tượng đài bác sĩ Yersin, có trường đại học và con đường rộng mang tên ông như là một sự ái mộ và biết ơn. Hiện nay, kiến trúc và văn minh Pháp cũng đã chắp cánh thêm cho vùng đất này. Đà Lạt chúng ta sẽ tươi đẹp trường tồn như chuyện tình Việt Pháp của các cụ ngày xưa. Tôi tin hương hồn cụ bà sẽ rất vui khi nhìn thấy con cháu mình trở về quê mẹ và có đủ hình ảnh để tạc lên mộ như niềm mong ước của cụ bà trước lúc ra đi”.  Ông Couvent có vẻ xúc động, siết chặt tay tôi như hai người bạn thân đã từng có những lúc vui buồn.
 
Chia tay hai cha con Pierre trong niềm vui mong ngày trở lại. Tôi hình tượng Đà Lạt vào những năm sau, với khu công nghệ cao, những ngôi trường đại học theo tiêu chí ASEAN, những cơ sở nghỉ dưỡng mọc lên ẩn hiện trên đồi thông xanh lộng gió, và hàng ngày tại Sân bay Liên Khương rộn ràng những chuyến bay lên xuống. Không biết lúc ấy ông Couvent có còn sống để trở về quê mẹ. Hình ảnh một người đàn ông nước mắt đầm đìa tất tả chạy đi tìm tấm hình Đà Lạt cho mẹ nhìn trước phút lâm chung rồi đứng lại sững sờ òa lên khóc cứ ám ảnh trong tâm thức tôi. Đối với ông Couvent, Mẹ và Đà Lạt là một. Đã có hai lần ông choàng vai tôi thì thầm “Đà Lạt là quê hương của chúng tôi. Nếu ngày nào còn đi lại được thế nào tôi cũng cố gắng tìm về. Vì ngay tại đây mẹ tôi, một người Việt Nam tuyệt vời đã sinh ra tôi và nuôi dạy tôi lớn lên. Đà Lạt đã sống trong tâm thức tôi từ ngày ấy đến tận bây giờ”.
 
Truyện ký: TRẦN ĐẠI
 
,
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét